Vụ án Hứa Quan Timmy bị kết án về tội “Tổ chức đánh bạc” - Đào Tạo Kế Toán

Vụ án Hứa Quan Timmy bị kết án về tội “Tổ chức đánh bạc” - Đào Tạo Kế Toán
Slider 1
Slider 2
Slider 3
Vụ án Hứa Quan Timmy bị kết án về tội “Tổ chức đánh bạc”

 Ngày 04-5-2010, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

Hứa Quan Timmy (Timmy Quang) sinh năm 1965 tại Việt Nam; thường trú tại 87 - 30 Justion Avenue, New York, Hoa Kỳ; nơi ở: 708 Lô G1, chung cư HùngVương, phường 11, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh; quốc tịch: Hoa Kỳ; dân tộc Hoa; trình độ văn hóa: 11/12; nghề nghiệp: kinh doanh; con ông Hứa Lê và bà Phương Muội; có vợ đang ly thân và 01 con sinh năm 2002; bị tạm giam từ ngày 27-5-2007 đến ngày 19-12-2007.

Trong vụ án còn có 05 bị cáo khác bị kết án về tội “Tổ chức đánh bạc”, 18 bị cáo bị kết án về tội “Đánh bạc”.

NHẬN THẤY:

Khoảng 22 giờ ngày 26-5-2007, Cơ quan điều tra đã bắt quả tang tại Câu lạc bộ O.V (nằm tại tầng 1 Khách sạn Equatorial) thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ đầu tư và giải trí Việt Hải Đăng, Câu lạc bộ Depalace (nằm tại tầng 1 Nhà hàng Sài Gòn Food Centre) thuộc Công ty liên doanh nhà hàng ăn uống Sài Gòn, Câu lạc bộ Victoria (nằm tại tầng 1 Khách sạn Duxton) thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vinametric, là những Câu lạc bộ được cấp phép tổ chức hình thức trò chơi có thưởng thông qua máy điện tử chỉ dành cho người có hộ chiếu nước ngoài, đang tổ chức cho nhiều người Việt Nam (không có hộ chiếu nước ngoài) vào đánh bạc thông qua máy điện tử, đánh thắng thua với nhà cái (chủ Câu lạc bộ), chia hưởng phần trăm hoa hồng trên tổng số tiền đánh thắng thua của các con bạc với lượng tiền từ 3.000 USD trở lên. Cả ba Công ty trên đều có ký hợp đồng thuê các công ty thuộc hệ thống Công ty của nhà đầu tư Dato Yap Kim San - Quốc tịch Malaysia quản lý, điều hành và kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.

Việc quản lý, điều hành và kinh doanh hoạt động trò chơi điện tử có thưởng dành cho người có hộ chiếu nước ngoài tại các Câu lạc bộ trên đều đặt dưới sự chỉ đạo của Dato Yap Kim San. Dato Yap Kim San cử Lim Leong Seng (tức Steven, quốc tịch Malaysia) sang Việt Nam làm Tổng giám đốc điều hành đối với ba Câu lạc bộ, còn Dato Yap Kim San chỉ sang Việt Nam để kiểm tra hoạt động của các Câu lạc bộ theo định kỳ. Lợi dụng sơ hở của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra thực hiện Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg ngày 27-02-2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, Dato Yap Kim San đã chỉ đạo cho Lim Leong Seng tìm người để móc nối, lôi kéo người Việt Nam vào các Câu lạc bộ đánh bạc nhằm tăng doanh thu và chia hưởng phần trăm hoa hồng trên tổng số tiền thắng thua của các con bạc tham gia đánh ở từng Câu lạc bộ.

Lim Leong Seng đã giới thiệu Hứa Quan Timmy và Lê Thị Hồng Nhung với Dato Yap Kim San và cả bọn thoả thuận: Hứa Quan Timmy và Nhung là người móc nối, lôi kéo, dẫn dắt khách là người Việt Nam vào các Câu lạc bộ đánh bạc và mỗi người được hưởng 3,5% trên tổng số tiền con bạc đánh thắng hoặc thua ở từng Câu lạc bộ, nhưng Hứa Quan Timmy và Nhung phải chia cho các con bạc 1/2 số tiền được hưởng (tức 1,75%) nhằm lôi kéo các con bạc trở lại Câu lạc bộ đánh bạc. Ngoài ra, các Câu lạc bộ còn dùng các cách thức khác để lôi kéo người chơi trở lại Câu lạc bộ như: tổ chức ăn tiệc buffee miễn phí, quay số trúng thưởng, trích phần trăm cho người đánh thắng hoặc thua với số tiền trên 3.000 USD ngày hôm trước khi ngày hôm sau họ quay lại đánh tiếp.

Hành vi phạm tội cụ thể của Hứa Quan Timmy như sau: từ khoảng giữa năm 2005, Hứa Quan Timmy vào Câu lạc bộ O.V đánh bài. Do bị thua quá nhiều nên Hứa Quan Timmy đã vay Câu lạc bộ khoảng 100.000 USD, từ đó quen biết với Lim Leong Seng. Cuối tháng 4-2006, Hứa Quan Timmy bắt đầu làm môi giới dẫn khách là người Việt Nam và Việt kiều vào Câu lạc bộ O.V đánh bạc. Từ tháng 12-2006, Hứa Quan Timmy nhận môi giới dẫn khách thêm cho cả Câu lạc bộ Depalace. Ở cả hai Câu lạc bộ, Hứa Quan Timmy đều được hưởng 3,5% trên tổng số tiền con bạc vào đánh thắng hoặc thua, nhưng phải trích lại cho con bạc 1/2 (tức 1,75%) số tiền được hưởng. Trong số tiền được hưởng còn lại, Hứa Quan Tinmmy chia cho Lim Leong Seng 20%, chia cho các nhân viên người Malaysia mỗi người 300 USD/tháng. Ngoài ra, Hứa Quan Timmy còn được Lê Thị Hồng Nhung chia từ 15-20% tiền Nhung môi giới khách ở Câu lạc bộ Victoria trong tổng số tiền 1,75% Nhung được hưởng. Tổng số tiền thu lợi bất chính của Hứa Quan Timmy là 256.620 USD, tương đương 4,1 tỷ đồng. Tại giai đoạn điều tra, Hứa Quan Timmy đã nộp 100.000.000 đồng tiền thu lợi bất chính, nộp 150.000.000 đồng tiền bảo đảm để được tại ngoại và trước khi xét xử sơ thẩm đã nộp 50.000.000 đồng; tổng cộng là 300.000.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 102/2009/HS-ST ngày 14-01-2009, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng điểm b khoản 2 Điều 249; điểm g khoản 1 Điều 48; các điểm b và p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt Hứa Quan Timmy 06 (sáu) tháng 22 (hai mươi hai) ngày tù về tội “Tổ chức đánh bạc”; thời hạn tù tính từ ngày 27-5-2007 đến ngày 19-12-2007 (bị cáo đã chấp hành xong hình phạt); áp dụng khoản 3 Điều 249 Bộ luật hình sự phạt Hứa Quan Timmy 20.000.000 đồng sung quỹ nhà nước; áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự tịch thu sung quỹ của Hứa Quan Timmy số tiền 300.000.000 đồng đã nộp và buộc nộp tiếp số tiền thu lợi bất chính 3.800.000.000 đồng để sung quỹ nhà nước.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt chính từ 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 05 năm tù đối với 23 bị cáo khác, quyết định về hình phạt bổ sung, biện pháp xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo là Lê Thị Hồng Nhung, Thái Phước, Lương Cẩm Huy, Phạm Văn Hoàng kháng cáo xin hưởng án treo.

Tại Kháng nghị phúc thẩm số 67/QĐ-VPT3 ngày 13-02-2009, Viện trưởng Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 102/2009/HS-ST ngày 14-01-2009 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử theo thủ tục phúc thẩm tăng hình phạt tù đối với Hứa Quan Timmy.

Tại Quyết định số 424/QĐ-VKSNDTC-VPT3 ngày 09-6-2009, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ sung một phần hình thức Kháng nghị phúc thẩm số 67/QĐ-VPT3 ngày 13-02-2009.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 489/2009/HS-PT ngày 06-7-2009, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định: không chấp nhận về hình thức Kháng nghị số 67/QĐ-VPT3 ngày 13-02-2009 và Quyết định số 424/QĐ-VKSTC-VPT3 ngày 09-6-2009 bổ sung một phần hình thức của Kháng nghị số 67/QĐ-VPT3 ngày 13-02-2009 của Viện trưởng Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về việc kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 102/2009/HS-ST ngày 14-01-2009 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với Hứa Quan Timmy. Do không chấp nhận về hình thức nên Hội đồng xét xử không xem xét về nội dung kháng nghị. Bản án hình sự sơ thẩm đối với Hứa Quan Timmy có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 234 Bộ luật tố tụng hình sự; giữ nguyên Bản án sơ thẩm đối với Thái Phước, Lương Cẩm Huy, Phạm Văn Hoàng; sửa Bản án sơ thẩm, giảm hình phạt cho Lê Thị Hồng Nhung.

Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số 24/QĐ-VKSTC-V3 ngày 25-8-2009, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 489/2009/HS-PT ngày 06-7-2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy phần quyết định: “Bản án hình sự sơ thẩm số 102/2009/HS-ST ngày 14-01-2009 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với bị cáo Hứa Quan Timmy có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 234 Bộ luật tố tụng hình sự” và phần quyết định hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm số 102/2009/HS-ST ngày 14-01-2009 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với Hứa Quan Timmy để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật, với lý do: hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp rất nghiêm trọng được quy định tại khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên chỉ tuyên phạt Hứa Quan Timmy 06 tháng 22 ngày tù là quá nhẹ, không tương xứng với hành vi và hậu quả của việc phạm tội do bị cáo gây ra. Lẽ ra, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải xem xét nội dung và tổng thể vụ án và phải kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Hứa Quan Timmy về những sai phạm của Bản án sơ thẩm. Quyết định “Bản án hình sự sơ thẩm số 102/2009/HS-ST ngày 14-01-2009 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với bị cáo Hứa Quan Timmy có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 234 Bộ luật tố tụng hình sự” của Bản án phúc thẩm cũng là một sai lầm cần phải xem xét.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

- Về thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm:

Theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 36 và Điều 232 Bộ luật tố tụng hình sự, thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm. Điều 19 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cũng quy định: “Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (...) các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật”. Tại Điều 32 Chương III Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định rõ về thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm, theo đó ngoài Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh thì Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm cũng được kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhưng là với tư cách thừa ủy quyền Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Xét Kháng nghị phúc thẩm số 67/QĐ-VPT3 
ngày 13-02-2009 là do Viện trưởng Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện không nhân danh Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, không thừa ủy quyền Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là không đúng thẩm quyền.

Sau khi đã hết thời hạn kháng nghị, Viện trưởng Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh lại ký Quyết định bổ sung một phần hình thức kháng nghị phúc thẩm với tư cách thừa ủy quyền Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là không hợp lệ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 238 Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 7.1 mục 7 phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 18-12-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì trong trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi nội dung kháng nghị, nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Trong trường hợp này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không ban hành Kháng nghị phúc thẩm số 67/QĐ-VPT3 ngày 13-02-2009, nên Viện trưởng Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh không thể thừa ủy quyền Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để bổ sung kháng nghị được; hơn nữa, việc bổ sung này lại làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận về hình thức Kháng nghị số 67/QĐ-VPT3 ngày 13-02-2009 và không chấp nhận Quyết định số 424/QĐ-VKSTC-VPT3 ngày 09-6-2009 bổ sung một phần hình thức của kháng nghị phúc thẩm là có căn cứ. Do không chấp nhận về hình thức nên Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét về nội dung của Kháng nghị và tuyên Bản án hình sự sơ thẩm đối với Hứa Quan Timmy có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị là đúng pháp luật.

- Về mức hình phạt đối với Hứa Quan Timmy:

Xét bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật đối với Hứa Quan Timmy, thấy rằng: mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Hứa Quan Timmy là người giúp sức tích cực trong việc tổ chức đánh bạc và là người hưởng lợi bất chính đặc biệt lớn (256.620 USD, tương đương 4,1 tỷ đồng), hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp quy định tại điểm b (thu lợi bất chính đặc biệt lớn) khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm, nhưng lại cho rằng bị cáo có tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b (khắc phục hậu quả) khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự nên đã áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo 06 tháng 22 ngày tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và bằng thời hạn tạm giam là quá nhẹ và không đúng quy định của pháp luật. Việc bị cáo nộp khoản tiền tổng cộng 300.000.000 đồng trong giai đoạn điều tra và trước khi xét xử sơ thẩm không phải là khắc phục hậu quả, mà đó là nộp khoản tiền thu lợi bất chính và tiền bảo đảm để được tại ngoại; do đó, bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Còn các tình tiết như bị cáo là Việt kiều nên nhận thức về pháp luật Việt Nam còn hạn chế, hiện đang bị viêm gan siêu vi, đang nuôi con nhỏ và có công phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng (nếu có) thì cũng chỉ là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. So với một số bị cáo khác trong vụ án như Lê Thị Hồng Nhung, Lê Anh Tuấn thì tính chất, mức độ của hành vi phạm tội do Hứa Quan Timmy thực hiện nghiêm trọng hơn, số tiền thu lợi bất chính đặc biệt lớn và nhiều hơn rất nhiều so với các bị cáo này, nhưng mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với Hứa Quan Timmy lại nhẹ hơn các bị cáo này là không tương xứng với hành vi và hậu quả của việc phạm tội do bị cáo gây ra.

Ngoài ra, việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên tịch thu sung quỹ của bị cáo Hứa Quan Timmy số tiền nộp ở giai đoạn điều tra và trước khi xét xử sơ thẩm, sau đó tuyên buộc bị cáo phải nộp số tiền thu lợi bất chính còn lại (sau khi trừ số tiền đã tịch thu trong tổng số tiền thu lợi bất chính buộc các bị cáo phải nộp) để sung quỹ nhà nước là không chính xác. Nếu đã tuyên tịch thu thì số tiền đó không thể dùng để khấu trừ cho nghĩa vụ phải nộp tiền thu lợi bất chính. Trong trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ cần tuyên buộc bị cáo phải nộp toàn bộ số tiền thu lợi bất chính sung quỹ nhà nước, sau đó trừ đi số tiền đã nộp trước đó, còn lại số tiền phải nộp. Do vậy, cũng cần phải hủy cả phần quyết định này của Bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 1 Điều 285, khoản 3 Điều 285 và 
Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH:

1. Không chấp nhận kháng nghị yêu cầu hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 489/2009/HS-PT ngày 06-7-2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tạiThành phố Hồ Chí Minh về quyết định: “Bản án hình sự sơ thẩm số 102/2009/HS-ST ngày 14-01-2009 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với bị cáo Hứa Quan Timmy có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 234 Bộ luật tố tụng hình sự”.

2. Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 102/2009/HS-ST ngày 14-01-2009 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về các quyết định đối với Hứa Quan Timmy; giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật./.

 

NỘI DUNG DỰ KIẾN ĐỀ XUẤT CÔNG NHẬN LÀM ÁN LỆ

Trong Quyết định giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ ra vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử như sau:

“Việc bị cáo nộp khoản tiền tổng cộng 300.000.000 đồng trong giai đoạn điều tra và trước khi xét xử sơ thẩm không phải là khắc phục hậu quả, mà đó là nộp khoản tiền thu lợi bất chính và tiền bảo đảm để được tại ngoại; do đó, bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Còn các tình tiết như bị cáo là Việt kiều nên nhận thức về pháp luật Việt Nam còn hạn chế, hiện đang bị viêm gan siêu vi, đang nuôi con nhỏ và có công phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng (nếu có) thì cũng chỉ là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. So với một số bị cáo khác trong vụ án như Lê Thị Hồng Nhung, Lê Anh Tuấn thì tính chất, mức độ của hành vi phạm tội do Hứa Quan Timmy thực hiện nghiêm trọng hơn, số tiền thu lợi bất chính đặc biệt lớn và nhiều hơn rất nhiều so với các bị cáo này, nhưng mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với Hứa Quan Timmy lại nhẹ hơn các bị cáo này là không tương xứng với hành vi và hậu quả của việc phạm tội do bị cáo gây ra.

Ngoài ra, việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên tịch thu sung quỹ của bị cáo Hứa Quan Timmy số tiền nộp ở giai đoạn điều tra và trước khi xét xử sơ thẩm, sau đó tuyên buộc bị cáo phải nộp số tiền thu lợi bất chính còn lại (sau khi trừ số tiền đã tịch thu trong tổng số tiền thu lợi bất chính buộc các bị cáo phải nộp) để sung quỹ nhà nước là không chính xác. Nếu đã tuyên tịch thu thì số tiền đó không thể dùng để khấu trừ cho nghĩa vụ phải nộp tiền thu lợi bất chính. Trong trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ cần tuyên buộc bị cáo phải nộp toàn bộ số tiền thu lợi bất chính sung quỹ nhà nước, sau đó trừ đi số tiền đã nộp trước đó, còn lại số tiền phải nộp. Do vậy, cũng cần phải hủy cả phần quyết định này của Bản án sơ thẩm để xét xử lại.”