Một số hạn chế pháp lý về thành lập đại lý thuế ở Việt Nam - Đào Tạo Kế Toán

Một số hạn chế pháp lý về thành lập đại lý thuế ở Việt Nam - Đào Tạo Kế Toán
Slider 1
Slider 2
Slider 3
Một số hạn chế pháp lý về thành lập đại lý thuế ở Việt Nam

1. Đại lý thuế là gì?

Đại lý thuế là một khái niệm không mới ở Việt Nam, vì đã có văn bản pháp lý qui định từ năm 2006. Tìm hiểu đại lý thuế là gì, tại Điều 20 Luật Quản lý thuế số 78/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 cũng viết khái niệm về đại lý thuế. Theo đó, đại lý thuế là “Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có điều kiện được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thực hiện các thủ tục về thuế theo thỏa thuận với người nộp thuế”. Tiếp đó, theo các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam thì cụm từ “đại lý thuế” xuất hiện ở Thông tư số 28/2008/TT-BTC ngày 03 tháng 04 năm 2008 (gọi tắt là Thông tư 28) hướng dẫn việc đăng ký hành nghề và quản lý hoạt động hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, việc tổ chức thi, cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế thì tại điểm a, mục 1.1 qui định “Thông tư này áp dụng đối với: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện hành nghề của tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (sau đây gọi chung là đại lý thuế)”. Đến Thông tư số 117/2012/TT-BTC ngày 19 tháng 07 năm 2012 (gọi tắt là Thông tư 117) hướng dẫn về hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế thì đã qui định cụ thể hơn tại khoản 3 Điều 2 qui định: đại lý thuế là doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đến ngày 19 tháng 5 năm 2017, Thông tư số 51/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính (gọi tắt là Thông tư 51) được ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 117/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 19/7/2012 hướng dẫn về hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế đã hoàn thiện hơn về khái niệm đại lý thuế. Cụ thể, Thông tư 51 sửa đổi một phần Thông tư số 117/2012/TT-BTC đã nêu ở trên thì đại lý thuếdoanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế theo qui định tại Luật Quản lý thuế và các qui định khác của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn còn chung chung và chưa mô tả được bản chất của đại lý thuế.

TÌM  HIỂU THỂM: CHỨNG CHỈ ĐẠI LÝ THUẾ LÀ GÌ? THỜI HẠN, ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ ĐẠI LÝ THUẾ

Tóm lại, qua các văn bản qui định trên có thể hiểu: đại lý thuế là một doanh nghiệp hoặc chi nhánh của doanh nghiệp đóng vai trò trung gian cho người nộp thuế trong việc thực hiện các thủ tục về thuế hoặc một số dịch vụ khác với cơ quan quản lý thuế và có thu phí của người nộp thuế.

2. Một số hạn chế pháp lý về thành lập đại lý thuế ở Việt Nam và một số giải pháp

Ở Việt Nam, có nhiều yếu tố về pháp luật, chính sách và cả nhu cầu thực tế làm cho tốc độ phát triển dịch vụ đại lý thuế ở Việt Nam chưa cao. Đến đầu tháng 8 năm 2019, toàn quốc cũng chỉ có khoảng 586 đại lý thuế. So với khoảng 561.064 doanh nghiệp, rõ ràng số lượng đại lý thuế vẫn còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Sau đây, tác giả đề xuất một số hạn chế và giải pháp hoàn thiện pháp luật về thành lập đại lý thuế ở Việt Nam.

2.1. Về điều kiện thành lập đại lý thuế

Điều kiện mở đại lý thuế ở Việt Nam nhìn chung có những điểm tương đồng với pháp luật quốc tế. Một số hạn chế và giải pháp tương ứng hoàn thiện pháp luật về điều kiện thành lập đại lý thuế như sau:

- Hạn chế thứ nhất: Chưa có qui định lúc thành lập về vốn pháp định để đảm bảo trách nhiệm của một chủ thể kinh doanh dịch vụ liên quan pháp lý khi xảy ra vi phạm. Theo như qui định hiện hành về thành lập đại lý thuế, không có qui định bắt buộc đại lý thuế phải có vốn pháp định. Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp và trong suốt quá trình kinh doanh, vốn sở hữu của doanh nghiệp không được thấp hơn số vốn pháp định. Việc một số ngành nghề quy định mức vốn pháp định là nhằm bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng và chủ nợ của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề đó. Vốn pháp định làm tăng niềm tin sử dụng đại lý thuế hơn. Vốn pháp định là một biện pháp đảm cho dịch vụ đại lý thuế được cung cấp đảm bảo chất lượng. Việc đảm bảo này bị phá hủy thì bên cung cấp dịch vụ nếu làm ảnh hưởng lợi ích chính đáng đến người nộp thuế phải nhanh chóng có tài chính đáp ứng sự chi trả sớm nhất.

- Giải pháp: Nên qui định mức vốn pháp định cho hoạt động kinh doanh đại lý thuế. Vốn pháp định cũng đã được qui định trong một số ngành nghề về tài chính, như: kinh doanh ngân hàng, bảo lãnh chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ bảo vệ, kinh doanh bất động sản, dịch vụ đòi nợ thuê… Đại lý thuế cũng là một dịch vụ liên quan đến tài chính. Do đó, nên qui định vốn pháp định là điều kiện thành lập đại lý thuế là cần thiết và phù hợp. Việc đại lý thuế Việt Nam cũng nên qui định về vốn khi thành lập đại lý thuế sẽ bảo đảm niềm tin cho người sử dụng dịch vụ này hơn. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho đại lý thuế khi cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế. Mức vốn pháp định bao nhiêu, cần nghiên cứu tình hình thực tiễn và tham khảo các nước có tính chất tương đồng. Vốn pháp định cũng được qui định phù hợp với qui định ở nước phát triển như Hàn Quốc. Luật Đại lý thuế Hàn Quốc qui định vốn pháp định ít nhất 3,79 tỷ đồng Việt Nam. Ở Việt Nam, các ngành kinh doanh về tài chính như ngân hàng có số vốn pháp định đa số phải từ 1 tỷ đồng trở lên. Hay kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng đòi hỏi vốn pháp định là 2 tỷ đồng. Với đại lý thuế Việt Nam, nhu cầu người nộp thuế với đại lý thuế vẫn chưa cao, do đó cần cân nhắc và có lộ trình qui định số vốn pháp định cụ thể, hợp lý, phù hợp với thực tiễn. Tóm lại, nên có việc có qui định về vốn pháp định cho đại lý thuế và mức vốn cụ thể phải được xem xét kỹ lưỡng dựa trên sự đánh giá tổng hợp nhiều yếu tố và phải đảm bảo yêu cầu không tác động lớn đến sự phát triển của mô hình mang tính chất xã hội cao như đại lý thuế.

- Hạn chế thứ hai: Không qui định về thành lập đại lý thuế cá nhân. Hạn chế của việc không qui định này làm cho các dịch vụ cần làm thủ tục về thuế của các cá nhân nhỏ lẻ, phát sinh một vài lần trong năm hoặc vài năm mới phát sinh việc nộp thuế. Các cá nhân này đôi khi còn không biết cơ quan thuế ở đâu, không biết cách thức đóng thuế như thế nào. Nhất là các giao dịch dân sự liên quan chuyển nhượng quyền sử dụng đất thứ hai. Cá nhân này lâu lâu mới có thu nhập chịu thuế và các đại lý thuế ở Việt Nam đa số là công ty thì khó lòng tiếp cận hơn sự linh hoạt của các đại lý thuế cá nhân. Do đó, làm cho một lượng lớn khách hành cá nhân không tiếp xúc được dịch vụ đại lý thuế. Việc có nhu cầu sử dụng dịch vụ đại lý thuế nhưng đại lý thuế không cung cấp, tiếp xúc được dịch vụ do qui định của pháp luật không linh hoạt và phù hợp với nhu cầu thực tế cũng làm cho doanh thu của đại lý thuế không cao, không khuyến khích được người có chứng chỉ hành nghề tham gia hành nghề.

- Giải pháp: Cần có qui định về thành lập đại lý thuế cá nhân. Xây dựng mô hình đại lý thuế cá nhân là một trong những xu hướng mà Việt Nam cần có lộ trình hiện thực hóa. Đại lý thuế cá nhân sẽ hoạt động độc lập và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình. Các quyền và nghĩa vụ của đại lý thuế cá nhân cũng được qui định cụ thể. Việc mở rộng thêm loại hình này sẽ góp phần làm cho số lượng đại lý thuế tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, hạn chế những thủ tục mang tính doanh nghiệp hóa cũng làm cho mô hình đại lý thuế cá nhân giảm bớt sự nặng nề về thủ tục hành chính khác ngoài thủ tục làm thủ tục về thuế. Tạo cơ sở cho mô hình đại lý thuế cá nhân cạnh tranh năng động hơn. So sánh số liệu đại lý thuế cá nhân so với đại lý thuế pháp nhân thì thấy rằng: ở Nhật Bản, đại lý thuế cá nhân có khoảng 70.000 người, đại lý thuế pháp nhân có khoảng 1.300 công ty. Như vậy, số lượng đại lý thuế cá nhân gấp hơn 53 lần số lượng đại lý thuế pháp nhân. Với lực lượng đại lý thuế cá nhân đông đảo như vậy có thể nhanh chóng chiếm lĩnh được những thị phần nhỏ lẻ như thị phần khách hàng là cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đẩy mạnh mô hình đại lý thuế cá nhân là vô cùng cần thiết ở Việt Nam bởi số lượng doanh nghiệp ngày càng nhiều, tính đến tháng 8 năm 2019 có khoảng 560.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Do số lượng doanh nghiệp lớn nên hồ sơ khai thuế là khá lớn. Số lượng hơn 500 đại lý thuế hiện nay thật sự chưa đáp ứng nhu cầu dịch vụ khai báo thuế. Tóm lại, việc thành lập đại lý thuế cá nhân là cần thiết. Tuy nhiên, lộ trình và các qui định liên quan cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để phát triển được lực lượng đại lý thuế cá nhân trong tương lai một cách bền vững.

2.2. Điều kiện thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế

Hoàn thiện các qui định về điều kiện thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế. Các qui định về điều kiện thi cấp chứng chỉ có vai trò quan trọng để tạo ra được một nhân viên đại lý thuế có chất lượng hay không.

TÌM HIỂU THÊM: ĐIỀU KIỆN THI CHỨNG CHỈ ĐẠI LÝ THUẾ 2021

- Hạn chế: Qui định môn thi còn ít (chỉ thi 2 môn), trình độ kiến thức thi còn thấp (cao đẳng) và không có cơ chế kiểm tra lại chất lượng kiến thức sau khi có chứng chỉ hành nghề, đối tượng có chuyên ngành khác dự thi có học phần liên quan thuế rất thấp (chỉ từ 7% tổng số tiết học) qui định tại khoản 4 điều 1 Thông tư 51 về đối tượng được dự thi lấy chứng chỉ đại lý thuế: “Có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên thuộc các ngành kinh tế, thuế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, luật hoặc các chuyên ngành khác và có tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học về tài chính, kế toán, kiểm toán, phân tích hoạt động tài chính, thuế từ 7% trên tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học trở lên và đã có thời gian làm việc trong lĩnh vực này từ đủ hai (02) năm trở lên tính từ thời gian tốt nghiệp ghi trên quyết định hoặc văn bằng tốt nghiệp đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi”. Các hạn chế này sẽ tạo ra những nhân viên đại lý thuế không đủ chuyên môn sâu để hành nghề làm thủ tục về thuế. Việc môn thi ít là do người viết so sánh với môn thi của đại lý thuế Nhật Bản (thi 04 môn). Việc chỉ thi 02 môn thì chất lượng đại lý thuế sẽ không cao, do đó người nộp thuế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thuê đại lý thuế làm gì mà chỉ cần nhân viên kế toán trình độ đại học là có thể làm được thủ tục này. Không có bất cứ ưu điểm gì vượt trội thì người có chứng chỉ đại lý thuế sẽ không có cơ hội được người nộp thuế tin dùng.

- Một số giải pháp:

Đầu tiên, qui định về điều kiện để được dự thi cần dự thi nhiều hơn hai môn. Do tính chất của việc khai nộp thuế ngoài các thủ tục, giấy tờ (hóa đơn, chứng từ…) còn phải hạch toán kế toán thuế để tính ra được số thuế đúng nhất. Do đó, trình độ về làm thủ tục làm về thuế đòi hỏi càng nhiều kiến thức nâng cao nên qui định ngoài 02 môn thuế và kế toán còn phải thi thêm các môn kỹ năng liên quan. Có thể tham khảo các môn thi ở Nhật Bản như quản lý kế toán, luật doanh nghiệp, kiểm toán, và 01 môn tự chọn (quản trị doanh nghiệp, kinh tế học, luật dân sự hoặc thống kê). Việc chọn thêm các môn thi đại lý thuế là cần thiết, bởi lẽ sẽ tăng được trình độ chuyên môn, kiến thức đại diện ủy quyền của đại lý thuế, làm tăng niềm tin từ người nộp thuế. Khi đại lý thuế có nhân viên trình độ không cao thì không ai có mong muốn thuê làm dịch vụ thuế, do đó, việc tăng trưởng của dịch vụ đại lý thuế thật sự không cao dù nhu cầu thị trường rất cần. Việc chọn môn thi thêm cũng cần xem xét sao cho phù hợp với chương trình giáo dục ở Việt Nam, nhất là các môn thống kê, tin học, ngoại ngữ; vì rằng các môn này sẽ giúp cho đại lý thuế làm việc nhanh hơn nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và các thông tin quốc tế khoa học về tài chính thuế, kế toán thuế ngoài các qui định trong nước. Bởi giao dịch càng quốc tế hóa, chúng ta càng có cơ hội phát triển kinh tế đất nước và người làm dịch vụ đại lý thuế, do đó phải nâng tầm hiểu biết và chuyên môn cao hơn để đáp ứng được tình trạng nhân lực ở Việt Nam nhiều nhưng không sâu.

Thứ hai, nâng chất lượng kiến thức người dự thi tương đương trình độ đại học. Việc Thông tư 51 vẫn còn cho trình độ cao đẳng dự thi nên vẫn chưa nâng cao được chất lượng đại lý thuế. Một dịch vụ cao cần những người ban đầu có nền tảng cao như trình độ cử nhân. Việc nâng bậc trình độ ban đầu này sẽ tăng chất lượng đầu vào. Việc số lượng đại lý thuế còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn một phần còn do người nộp thuế chưa thật sự tin tưởng vào chất lượng và độ chuyên nghiệp của nhân viên quản lý thuế.

Thứ ba, nên bỏ bớt các đối tượng dự thi khác ít chuyên môn về thuế tham gia dự thi đại lý thuế. Việc bỏ này giảm bớt các đối tượng không chuyên thi tham gia làm dịch vụ thuế. Việc qui định các đối tượng được dự thi đại lý thuế có ngành học là chuyên ngành khác và có tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học về tài chính, kế toán, kiểm toán, phân tích hoạt động tài chính, thuế từ 7% trên tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học trở lên là qui định chung chung, không rõ nghĩa và phụ thuộc người xét duyệt hồ sơ một cách chủ quan khi so sánh thế nào là trùng 7% khi mà các môn học ở các trường là dạy khác nhau. Các qui định này nhiều rất khó tạo ra đội ngũ đại lý thuế chuyên nghiệp, số học trình 7% là không ổn vì rất thấp. Việc bỏ luôn các đối tượng khác và số học trình trùng chuyên ngành về thuế rất thấp đã nêu ở trên là cần thiết để tập trung cho các đối tượng chuyên về thuế, kế toán thuế thì chất lượng dịch vụ đại lý thuế sẽ cao hơn, giúp minh bạch tài chính hơn.

Thứ tư, pháp luật nên qui định thêm là các đối tượng có chứng chỉ đại lý thuế sau ba năm kể từ ngày có chứng chỉ đại lý thuế phải thi lại. Việc thi lại giúp cho kiến thức của đại lý thuế sẽ không ngừng được củng cố và tăng thêm trước những văn bản khá nhiều của Tổng cục Thuế và sẽ giúp cho nhân viên đại lý thuế tránh những sai sót và những lỗi do không cập nhật kiến thức liên quan thuế. Qua đây, người làm dịch vụ thuế có trách nhiệm hơn với việc tự rèn luyện đảm bảo chất lượng của mình, người nộp thế sẽ tin tưởng hơn về chất lượng dịch vụ để hợp tác lâu dài với đại lý thuế. Bên cạnh qui định sau khi được cấp chứng chỉ, người hành nghề trong đại lý thuế định kỳ 03 năm phải kiểm tra lại, trường hợp không đạt kiến thức sẽ bị loại khỏi danh sách nhân viên đại lý thuế. Việc kiểm tra lại kiến thức nhằm đốc thúc nhân viên đại lý thuế luôn không ngừng học hỏi nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn cho khách hàng. Do đó, việc kiểm tra không được qua loa, thi cử phải nghiêm ngặt. Việc phải cập nhật kiến thức mới hiện hành là điều cần thiết để nâng cao chất lượng nhân viên đại lý thuế. Thời hạn 3 năm thi lại là không quá ngắn cũng không quá dài kiểm tra lại kiến thức về làm dịch vụ đại lý thuế. Còn lịch thi, thủ tục đăng ký thi lại cụ thể thì cần nghiên cứu thêm cho phù hợp với sự thay đổi chính sách thuế hay công việc của cơ quan quản lý về thuế, công việc của đại lý thuế.

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp thắc mắc nhé.

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO KẾ TOÁN VÀ DỊCH VỤ VAFT VIETNAM

TẠI TP HỒ CHÍ MINH

Lầu 6 số 30 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, HCM

(Ngay Ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Đình Chiểu, đối diện với Đài tiếng nói nhân dân Tp.HCM VOH)

Mobile phone: 0909027266/ 0931444876/ 0904100123

Fax: 08.62917971