Trong trường hợp số lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp quá nhiều thì có thể sử dụng bảng kê kèm hóa đơn điện tử được không? Hãy cùng Kế toán VAFT tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết sau..
Trước tiên, cần khẳng định rằng, về cơ bản hóa đơn điện tử không được gửi kèm bảng kê mà chỉ được gửi kèm bảng kê đối với các dịch vụ xuất theo kỳ phát sinh.
Tại điểm a khoản 6 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:
- Số lượng hàng hóa, dịch vụ: Người bán ghi số lượng bằng chữ số Ả-rập căn cứ theo đơn vị tính nêu trên. Các loại hàng hóa, dịch vụ đặc thủ như điện, nước, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm được bán theo kỳ nhất định thì trên hóa đơn phải ghi cụ thể kỳ cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đối với các dịch vụ xuất theo kỳ phát sinh, được sử dụng bảng kê để liệt kê các loại hàng hóa, dịch vụ đã bán kèm theo hóa đơn; bảng kê được lưu giữ cùng hóa đơn để phục vụ việc kiểm tra, đối chiếu của các cơ quan có thẩm quyền.
Hóa đơn phải ghi rõ “kèm theo bảng kê số..., ngày.. .tháng...năm”. Bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hoá, dịch vụ, số lượng, đơn giá, thành tiền hàng hoá, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập Bảng kê. Trường hợp người bán nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì Bảng kê phải có tiêu thức “thuế suất giá trị gia tăng” và “tiền thuế giá trị gia tăng”. Tổng cộng tiền thanh toán đúng với số tiền ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng. Hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên Bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày. Bảng kê phải ghi rõ “kèm theo hóa đơn số ngày.. .tháng...năm”.
Đồng thời, Công văn số 587/TCT-CS ngày 02/3/2022 của Tổng cục Thuế cũng hướng dẫn, người bán được sử dụng bảng kê để liệt kê các loại hàng hóa, dịch vụ đã bán kèm theo hóa đơn đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ đặc thù được bán theo kỳ nhất định như: Điện, nước, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Như vậy, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ đặc thù phát sinh theo kỳ (ngày/tuần/tháng) với số lượng danh mục hàng hóa, dịch vụ nhiều như điện, nước, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… thì được sử dụng bảng kê.
Căn cứ theo quy định về bảng kê tại điểm a khoản 6 Điều 10 Nghị định 123/2020 nêu trên, khi lập bảng kê kèm theo hóa đơn điện tử, kế toán doanh nghiệp cần lưu ý:
- Bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hoá, dịch vụ, số lượng, đơn giá, thành tiền hàng hoá, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập Bảng kê.
- Trường hợp người bán nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì Bảng kê phải có tiêu thức “thuế suất giá trị gia tăng” và “tiền thuế giá trị gia tăng”. Tổng cộng tiền thanh toán đúng với số tiền ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.
- Hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên Bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày. Bảng kê phải ghi rõ “kèm theo hóa đơn số ngày.. .tháng...năm” còn hóa đơn phải ghi rõ “kèm theo bảng kê số..., ngày.. .tháng...năm”.
- Bảng kê được lưu giữ cùng hóa đơn để phục vụ việc kiểm tra, đối chiếu của các cơ quan có thẩm quyền
- Không cần ghi đơn giá nếu hàng hoá, dịch vụ sử dụng bảng kê đã liệt kê hàng hoá, dịch vụ bán theo hoá đơn.
Kế toán VAFT chúc các bạn thành thạo kế toán nha !
Bạn muốn học làm kế toán tổng hợp - Thuế thực tế (Lập Báo cáo tài chính, Quyết toán thuế) có thể tham gia: Lớp học thực hành kế toán thực tế.