Tạo cung - cầu giả, đẩy giá tăng hoặc giảm đột ngột để lừa nhà đầu tư là một trong những cách thao túng thị trường chứng khoán.
Thao túng thị trường chứng khoán là một trong những hành vi gian lận có tính toán, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên, vẫn chưa có định nghĩa cụ thể và thống nhất về khái niệm này.
Luật Chứng khoán năm 2019 đề cập đến ba hành vi thao túng trên thị trường. Thứ nhất, sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hay của người khác, hoặc thông đồng, để mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung - cầu giả tạo. Thứ hai, giao dịch bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán. Thứ ba, sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng.
Trong đó, tạo cung - cầu giả bằng cách thông đồng thực hiện mua, bán chứng khoán là phổ biến nhất. 5 vụ thao túng thị trường chứng khoán lớn nhất đều áp dụng thủ thuật trên. Ví dụ vào tháng 3/2022, ông Trịnh Văn Quyết được cáo buộc điều hành nhân viên dùng 20 tài khoản chứng khoán liên tục mua, bán tạo ra cung cầu giả nhằm đẩy giá cổ phiếu lên cao. Sau đó thông qua người thân, ông bán chui cổ phiếu và thu về hơn 1.689 tỷ đồng.
Ngoài ra, Nghị định 156/2020 cũng bổ sung một số hành vi như liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường, nhằm tạo mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó. Thao túng còn được thực hiện bằng cách đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành nhằm tạo ảnh hưởng đến thị giá, sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế với loại chứng khoán đó.
Nhìn chung, từ các quy định pháp luật hiện hành, có thể định nghĩa thao túng thị trường chứng khoán là những hành vi gian lận nhằm ngăn cản việc xác định giá thực tế của một loại chứng khoán trên thị trường (thường là cổ phiếu), tạo cung - cầu giả, ảnh hưởng đến thị giá để lừa các nhà đầu tư, gây thiệt hại cho thị trường chung.
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của một vụ thao túng là giá cổ phiếu tăng hoặc giảm đột ngột với khối lượng giao dịch bất thường. Theo Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), cổ phiếu vốn hóa siêu nhỏ dễ bị thao túng hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa những doanh nghiệp vốn hóa lớn không bị thao túng. Thực tế chỉ ra việc thao túng những mã cổ phiếu lớn vẫn diễn ra và mang lại ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí khó kiểm soát.
Nhìn chung, các vụ thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại lớn và trên diện rộng cho nhà đầu tư. Vụ thao túng giá cổ phiếu KSA làm 1.496 nhà đầu tư và 3 công ty chứng khoán tổn thất gần 9 tỷ đồng. Khoảng 1.064 nhà đầu tư bị "lùa" mua cổ phiếu MTM khi giá liên tục lập đỉnh, cũng bị thiệt hại khoảng 56 tỷ đồng. Hay trong vụ thao túng mã BII và TGG, tổng khoản thu trái pháp luật của nhóm Đỗ Thành Nhân hơn 154 tỷ đồng.
Để tránh bị cuốn vào những vụ thao túng thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nên hạn chế mua những cổ phiếu đang có giá tăng vọt bất ngờ. "Lướt sóng" cổ phiếu là một cách thức kiếm lợi nhuận nhanh nhưng chỉ dành cho nhà đầu tư tinh vi và lành nghề nhất. Các chuyên gia Nasdaq khuyên đầu tư dài hạn là một trong những cách tránh va vào mã cổ phiếu đang bị thao túng hiệu quả nhất. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần trang bị kỹ năng kiểm chứng thông tin, ưu tiên chọn những kênh truyền thông đại chúng chính thống như trang thông tin của các cơ quan chức năng, trang thông tin cổ đông của doanh nghiệp, báo chí.
Theo Vnexpress