Thuế Thu nhập doanh nghiệp là loại thuế có kỳ tính thuế theo năm
=> Khai thuế thu nhập doanh nghiệp là loại khai quyết toán năm
- Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNDN ban hành ngày 18/06/2014, có hiệu lực ngày 02/08/2014
Sửa đổi bổ sung tại:
+ Thông tư 96/2015/TT-BTC ban hành ngày 22/06/2015. Hiệu lực ngày 06/08/2015
+ Thông tư 25/2018/TT-BTC ban hành ngày 16/03/2018. Hiệu lực ngày 01/05/2018
- Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế (ban hành ngày 19/10/2020, có hiệu lực từ ngày 05/12/2020)
Sửa đổi bổ sung tại: Nghị định 91/2022/NĐ-CP (Ban hành ngày 30/10/2022, có hiệu lực từ ngày 30/10/2022)
- Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (ban hành ngày 29/09/2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022)
- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC;
- Báo cáo tài chính năm hoặc Báo cáo tài chính đến thời điểm có quyết định giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động hoặc tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về kiểm toán độc lập (trừ trường hợp không phải lập báo cáo tài chính theo quy định);
- Một hoặc một số phụ lục kèm theo tờ khai (tuỳ theo thực tế phát sinh của người nộp thuế) ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC
Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
Thời hạn nộp tờ khai QTT TNDN năm 2024: chậm nhất là ngày 31/03/2025
Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
Bước 1: Đăng nhập vào phần mềm HTKK
=> Nhập MST của DN muốn kê khai
Bước 2: Chọn mẫu tờ khai:
=> Vào mục “Thuế thu nhập doanh nghiệp”
=> Chọn tờ khai: “Tờ khai Quyết toán TNDN (03/TNDN) (TT80/2021)”
Bước 3: Chọn kỳ tính thuế
+ Trường hợp quyết toán: chọn trường hợp quyết toán (Quyết toán thuế TNDN hàng năm thì chọn "Quyết toán định kỳ")
+ Năm: Chọn năm thực hiện quyết toán
Ghi rõ kỳ tính thuế năm (theo năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch)
+ Từ ngày …….…. Đến ngày …….….
Từ ngày: ghi ngày đầu tiên của năm dương lịch/năm tài chính hoặc ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh (đối với doanh nghiệp mới thành lập)
Đến ngày: ghi ngày kết thúc năm dương lịch/năm tài chính hoặc ngày chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp hoặc tổ chức lại doanh nghiệp được xác định phù hợp với kỳ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.
+ Trạng thái tờ khai: Nếu là lần đầu làm tờ khai QTT TNDN cho kỳ tính thuế (năm) đã chọn ở trên thì để ở dòng mặc định "Tờ khai lần đầu"
Còn trường hợp: Sau khi DN nộp tờ khai lần đầu và đã nhận được Thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế đối với Tờ khai thuế “Lần đầu” => DN phát hiện ra hồ sơ khai thuế lần đầu đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót => DN tiến hành làm tờ khai điều chỉnh bổ sung cho tờ khai thuế có sai sót đó thì sẽ thực hiện chọn trạng thái tờ khai là “Bổ sung” theo số thứ tự của từng lần bổ sung.
=> Chọn phụ lục tờ khai:
+ Phụ lục 03-1A/TNDN - Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (áp dụng đối với ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ, trừ công ty an ninh, quốc phòng)
Và 1 số các phụ lục khác theo tình hình thực tế của DN
Bước 4: Bấm “Đồng ý” để vào giao diện tờ khai QTT TNDN mẫu 03/TNDN theo TT 80/2021
Chọn xong bước 3 thì các bạn bấm vào đồng ý
Bước 5: Hoàn thiện Phụ lục 03-1A/TNDN trước
-> Để phần mềm tự động tổng hợp số liệu Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế TNDN lên Chỉ tiêu [A1] trên tờ khai quyết toán mẫu 03/TNDN.
Chi tiết các bạn xem tại đây: Cách làm Phụ lục 03-1A/TNDN Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh
Bước 6: Làm tờ khai quyết toán mẫu 03/TNDN:
Khi làm tờ khai QTT TNDN mẫu 03/TNDN các bạn cần quan tâm, chú ý đến các nội dung, chỉ tiêu sau:
1. Điều chỉnh Tăng/Giảm Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (chỉ tiêu [A1]) theo quy định của Luật thuế TNDN để xác định Thu nhập chịu thuế tại các chỉ tiêu [B]
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu - Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác
- Thực hiện điều chỉnh ở các chỉ tiêu từ [B1] – [B12] (Nếu có).
- Quan tâm nhất đến Chỉ tiêu [B4] – Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
2. Đưa thông tin về Thu nhập chịu thuế từ hoạt động SXKD vào chỉ tiêu B14:
Chỉ tiêu B14 = Chỉ tiêu B13 - Chỉ tiêu B15
+ Nếu DN không có thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng BĐS (tức là B15 = 0) thì B14 = B13 (gõ số tiền từ chỉ tiêu B13 xuống chỉ tiêu B14)
+ Nếu DN có thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng BĐS (Thì thực hiện làm phụ lục 03-5/TNDN trước để phần mềm tổng hợp số liệu lên chỉ tiêu B15 trên tờ khai QTT TNDN mẫu 03/TNDN): B14 = B13 - B15 (gõ số tiền từ kết quả của phép tính này vào chỉ tiêu B14)
3. Xác định thu nhập chịu thuế (tại Chỉ tiêu [C1]) là: âm hay dương
* Trường hợp 1: Nếu Thu nhập chịu thuế tại chỉ tiêu [C1] có giá trị âm (giá trị xuất hiện trong ngoặc đơn) => Kết quả kinh doanh là Lỗ => Năm quyết toán DN không phải nộp thuế.
=> Xác định nốt chỉ tiêu [G] - Số thuế đã tạm nộp là xong tờ khai quyết toán.
(Không thực hiện làm phụ lục chuyển lỗ 03-2A/TNDN)
(Lưu ý: Trường hợp [C1] = 0 thì cũng xác định nốt chỉ tiêu [G] là xong tờ khai quyết toán)
* Trường hợp 2: Nếu Thu nhập chịu thuế tại chỉ tiêu [C1] có giá trị dương
=> Năm quyết toán DN hoạt động kinh doanh có lãi (DT > CP) => Thực hiện lần lượt các mục sau:
3.1. Đưa thu nhập miễn thuế vào chỉ tiêu C2 (nếu có)
Nếu trong năm, DN có các khoản Thu nhập miễn thuế thì đưa số liệu vào Chỉ tiêu [C2]
3.2. Chuyển Lỗ (nếu có):
Nếu các năm trước (5 năm gần nhất) DN có số lỗ chưa chuyển hết (còn được chuyển theo quy định) thì thực hiện chuyển lỗ
-> Thực hiện chuyển lỗ tại Phụ lục 03-2/TNDN để phần mềm tự động tổng hợp số liệu lên Chỉ tiêu [C3a] - Lỗ từ hoạt động SXKD được chuyển trong kỳ
-> Sau khi chuyển lỗ xong thì xác định kết quả tại [C4] – Thu nhập tính thuế:
+ Nếu [C4] = 0 => Xác định nốt chỉ tiêu [G]- Số thuế đã tạm nộp là xong tờ khai quyết toán
+ Nếu [C4] > 0 => Thì thực hiện tính thuế như dưới đây
(Lưu ý: Khi [C1] < 0 sẽ làm cho [C4] < 0 => Trường hợp [C4] < 0 thì các bạn thực hiện theo trường hợp 1 [C1] < 0 tại Mục 3 nhỏ)
3.3. Trích lập quỹ khoa học công nghệ (nếu có): Thực hiện tại Chỉ tiêu [C5]
3.4. Tính thuế:
Sau khi chuyển lỗ xong (nếu có) và xác định mức trích lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ (nếu có) mà Chỉ tiêu [C6] – Thu nhập tính thuế sau khi đã trích lập quỹ khoa học công nghệ vẫn còn số tiền (tức [C6] > 0) thì đó chính là số thu nhập phải tính thuế:
-> Đưa giá trị dương ở [C6] – Thu nhập tính thuế đó vào Chỉ tiêu [C7] hoặc [C8]/[C8a] theo mức thuế suất mà Doanh nghiệp áp dụng => Phần mềm sẽ tự động tính ra số thuế TNDN phải nộp ở chỉ tiêu [C9]
3.5. Xác định số thuế TNDN đã tạm nộp trong năm (nếu có):
-> Đưa số tiền tạm nộp vào Chỉ tiêu [G] - Số thuế TNDN đã tạm nộp
[G1] – “Thuế TNDN nộp thừa kỳ trước chuyển sang kỳ này”
[G2] – “Thuế TNDN đã tạm nộp trong năm”
Bước 7: Xác định kết quả kê khai quyết toán TNDN trên tờ khai 03/TNDN:
Kết quả được thể hiện tại chỉ tiêu [I] - Số thuế TNDN còn phải nộp đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế
+ Nếu chỉ tiêu [I] có kết quả ÂM => Trong năm DN đã nộp thừa tiền thuế (Theo dõi số tiền này để bù trừ vào kỳ sau hoặc làm thủ tục hoàn thuế).
+ Nếu chỉ tiêu [I] có kết quả DƯƠNG => Đây là số tiền thuế TNDN còn phải nộp thêm (hạn nộp tiền chính là thời hạn nộp tờ khai QTT TNDN)
Bước 8: Nộp tờ khai QTT TNDN qua mạng
Bước 9: Nộp tiền thuế TNDN sau quyết toán (nếu có số thuế còn phải nộp)
1. Quyết toán thuế TNDN
a) Khai quyết toán thuế TNDN:
Khai quyết toán thuế TNDN bao gồm: Khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm và quyết toán đến thời điểm giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải tự xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý (bao gồm cả tạm phân bổ số thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh, nơi có bất động sản chuyển nhượng khác với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính) và được trừ số thuế đã tạm nộp với số phải nộp theo quyết toán thuế năm.
Doanh nghiệp thuộc diện lập báo cáo tài chính quý theo quy định của pháp luật về kế toán căn cứ vào báo cáo tài chính quý và các quy định của pháp luật về thuế để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý.
Doanh nghiệp không thuộc diện lập báo cáo tài chính quý theo quy định của pháp luật về kế toán căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh quý và các quy định của pháp luật về thuế để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý.
Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì khai thuế TNDN tại cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính.
Lưu ý:
Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 04 quý không được thấp hơn 80% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 04 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 04 đến ngày liền kề trước ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước theo quy định khoản 3 Điều 1 Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế
Doanh nghiệp lập và gửi hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2023 chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
b) Hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp:
+ Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.
+ Báo cáo tài chính năm hoặc Báo cáo tài chính đến thời điểm chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về kiểm toán độc lập.
c) Các phụ lục kèm theo:
Một hoặc một số phụ lục kèm theo tờ khai ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC (tuỳ theo thực tế phát sinh của người nộp thuế):
+ Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo mẫu số 03-1A/TNDN, mẫu số 03-1B/TNDN, mẫu số 03-1C/TNDN.
+ Phụ lục chuyển lỗ theo mẫu số 03-2/TNDN.
+ Các phụ lục về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Mẫu số 03-3A/TNDN; Mẫu số 03-3B/TNDN; Mẫu số 03-3C/TNDN; 03-3D/TNDN.
+ Phụ lục số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp ở nước ngoài theo mẫu số 03-4/TNDN.
+ Phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo mẫu số 03-5/TNDN.
+ Phụ lục báo cáo trích lập, sử dụng quỹ khoa học và công nghệ theo mẫu số 03-6/TNDN.
+ Phụ lục bảng phân bổ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với cơ sở sản xuất theo mẫu số 03-8/TNDN.
+ Phụ lục bảng phân bổ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo mẫu số 03-8A/TNDN.
+ Phụ lục bảng phân bổ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp dổi với hoạt động sản xuất thủy điện theo mẫu sổ 03-8B/TNDN.
+ Phụ lục bảng phân bổ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán theo mẫu số 03-8C/TNDN.
+ Phụ lục bảng kê chứng từ nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của hoạt động chuyển nhượng bất động sản thu tiền theo tiến độ chưa bàn giao trong năm theo mẫu số 03-9/TNDN.
+ Phụ lục thuế TNDN được giảm theo Nghị quyết số 406/NQUBTVQH15 ban hành kèm theo Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ.
d) Người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ thực hiện kê khai các mẫu kèm theo tờ khai quyết toán thuế TNDN số 03/TNDN như sau:
+ Phụ lục I: Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết.
+ Phụ lục II: Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại hồ sơ quốc gia.
+ Phụ lục III: Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại hồ sơ toàn cầu.
+ Phụ lục IV: Kê khai thông tin báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
e) Miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết:
- Doanh nghiệp được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết tại mục III, mục IV Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP; miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP trong trường hợp chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế, nhưng phải kê khai căn cứ miễn trừ tại mục I, mục II tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
- Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP nhưng được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong các trường hợp sau:
+ Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng;
+ Người nộp thuế đã ký kết Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế. Các giao dịch liên kết không thuộc phạm vi áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 18 Nghị định 132/2020/NĐ-CP;
+ Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm chênh lệch doanh thu và chi phí của hoạt động tài chính) trên doanh thu thuần, bao gồm các lĩnh vực như sau:
Phân phối: Từ 5% trở lên;
Sản xuất: Từ 10% trở lên;
Gia công: Từ 15% trở lên.
Trường hợp người nộp thuế theo dõi, hạch toán riêng doanh thu, chi phí của từng lĩnh vực thì áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần tương ứng với từng lĩnh vực.
Trường hợp người nộp thuế theo dõi, hạch toán riêng được doanh thu nhưng không theo dõi, hạch toán riêng được chi phí phát sinh của từng lĩnh vực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì thực hiện phân bổ chi phí theo tỷ lệ doanh thu của từng lĩnh vực để áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần tương ứng với từng lĩnh vực.
Trường hợp người nộp thuế không theo dõi, hạch toán riêng được doanh thu và chi phí của từng lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh để xác định tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với từng lĩnh vực thì áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần của lĩnh vực có tỷ suất cao nhất.
Trường hợp người nộp thuế không áp dụng theo mức tỷ suất lợi nhuận thuần quy định tại điểm này thì phải lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định.
f) Xác định chi phí để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:
- Chi phí của giao dịch liên kết không phù hợp bản chất giao dịch độc lập hoặc không góp phần tạo ra doanh thu, thu nhập cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ.
- Chi phí dịch vụ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: Chi phí phát sinh từ các dịch vụ được cung cấp chỉ nhằm mục đích phục vụ lợi ích hoặc tạo giá trị cho các bên liên kết khác; dịch vụ phục vụ lợi ích cổ đông của bên liên kết; dịch vụ tính phí trùng lặp do nhiều bên liên kết cung cấp cho cùng một loại dịch vụ, không xác định được giá trị gia tăng cho người nộp thuế; dịch vụ về bản chất là các lợi ích người nộp thuế nhận được do là thành viên của một tập đoàn và chi phí mà bên liên kết cộng thêm đối với dịch vụ do bên thứ ba cung cấp thông qua trung gian bên liên kết không đóng góp thêm giá trị cho dịch vụ.
- Tổng chi phí lãi vay phát sinh sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ (không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh giao dịch vay với bên liên kết hay bên độc lập) của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng với chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.
Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
g) Trích lập khoản dự phòng:
Doanh nghiệp trích lập các khoản dự phòng theo quy định tại Thông tư số 48/2019/TT ngày 08/8/2019 của Bộ Tài chính được sửa đổi bổ sung Thông tư số 24/2022/TT-BTC ngày 07/4/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.
2. Báo cáo tài chính
a) Doanh nghiệp mở sổ sách kế toán theo quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp của Bộ Tài chính.
Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp gồm các biểu mẫu sau:
- Bảng cân đối kế toán Mẫu số B01-DN
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B02-DN
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ Mẫu số B03-DN
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính Mẫu số B09-DN
b) Doanh nghiệp nhỏ và vừa mở sổ sách kế toán theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các biểu mẫu sau:
Hệ thống báo cáo tài chính năm áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng giả định hoạt động liên lục bao gồm:
- Báo cáo bắt buộc:
+ Báo cáo tình hình tài chính - Mẫu số B01a-DNN
+ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh - Mẫu số B02-DNN
+ Bản thuyết minh Báo cáo tài chính - Mẫu số B09-DNN
Tùy theo đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý, doanh nghiệp có thể lựa chọn lập Báo cáo tình hình tài chính theo Mẫu số B01b-DNN thay cho Mẫu số B01a-DNN.
Báo cáo tài chính gửi cho cơ quan thuế phải lập và gửi thêm Bảng cân đối tài khoản (Mẫu số F01-DNN).
- Báo cáo không bắt buộc mà khuyến khích lập:
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ - Mẫu số B03-DNN
Hệ thống báo cáo tài chính năm áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đáp ứng giả định hoạt động liên tục bao gồm:
- Báo cáo bắt buộc:
+ Báo cáo tình hình tài chính - Mẫu số B01-DNNKLT
+ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh - Mẫu số B02-DNN
+ Bản thuyết minh Báo cáo tài chính - Mẫu số B09-DNNKLT
- Báo cáo không bắt buộc mà khuyến khích lập:
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ - Mẫu số B03-DNN
Hệ thống báo cáo tài chính năm bắt buộc áp dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ bao gồm:
- Báo cáo tình hình tài chính - Mẫu số B01-DNSN
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh - Mẫu số B02-DNSN
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính - Mẫu số B09-DNN
Khi lập báo cáo tài chính, các doanh nghiệp phải tuân thủ biểu mẫu báo cáo tài chính theo quy định. Trong quá trình áp dụng, nếu thấy cần thiết, các doanh nghiệp có thể sửa đổi, bổ sung báo cáo tài chính cho phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp nhưng phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.
Lưu ý: Đối với các doanh nghiệp mà báo cáo tài chính phải được kiểm toán theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 15 Nghị định 17/2012/NĐ-CP thì khi nộp báo cáo tài chính phải được kiểm toán theo quy định. Bao gồm các doanh nghiệp sau:
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
- Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;
- Tổ chức tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
- Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
- Các doanh nghiệp, tổ chức khác bắt buộc phải kiểm toán theo quy dinh của pháp luật có liên quan.
- Doanh nghiệp, tổ chức khác bao gồm:
+ Doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;
+ Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo quyết toán dự án hoàn thành;
+ Doanh nghiệp, tổ chức mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;
+ Doanh nghiệp mà các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;
+ Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm.
c) Cách nộp báo cáo tài chính phải kiểm toán:
Tiếp nhận báo cáo tài chính đính kèm Báo cáo kiểm toán thông qua hệ thống thuế điện tử:
- Người nộp thuế là đối tượng bắt buộc phải kiểm toán báo cáo tài chính, khi nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN thì được gửi bản scan Báo cáo kiểm toán qua hệ thống thuế điện tử (scan báo cáo tài chính sau đó copy sang file word để gửi phụ lục đính kèm, dung lượng không quá 5 MB).
- Trường hợp quá thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế mới nộp hồ sơ khai thuế thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hành vi vi phạm thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
Ngày 12/3/2024, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị Hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế năm 2023 với nội dung hướng dẫn, giải đáp vướng mắc liên quan đến quyết toán thuế TNDN năm 2023. Sau đây là một số nội dungvướng mắc thường gặp của tổ chức, doanh nghiệp đã được Tổng cục Thuế giải đáp:
Câu hỏi 1: Tôi là chủ doanh nghiệp tư nhân, có vay vốn ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân thì khoản chi phí lãi vay có được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp hay không?
Trả lời: Căn cứ quy định tại Luật doanh nghiệp về doanh nghiệp tư nhân và Luật thuế TNDN về khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN và hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước về hoạt động cho vay, trường hợp cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân có thực hiện vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, nếu khoản chi phí lãi vay mà cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân đã trả cho tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân và có đủ chứng từ theo quy định của pháp luật thì khoản chi trả lãi vay được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của doanh nghiệp tư nhân.
Câu hỏi 2: Trường hợp của doanh nghiệp tôi đang hoạt động, được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện có dự án đầu tư mới tại địa bàn khu kinh tế. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp tôi có bổ sung ngành nghề kinh doanh thì thu nhập từ hoạt động bổ sung có được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo dự án đang hoạt động hay không?
Trả lời: Luật thuế TNDN hiện hành quy định doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng đáp ứng điều kiện về lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư (trong đó có địa bàn khu kinh tế) thì được ưu đãi thuế TNDN.
Vì vậy, cần căn cứ tình hình thực tế của doanh nghiệp bạn là ngành nghề bổ sung có thuộc phạm vi dự án đầu tư mới của doanh nghiệp hay là dự án đầu tư mở rộng, từ đó mới có cơ sở xác định ưu đãi thuế TNDN phù hợp theo quy định. Nếu ngành nghề bổ sung không gắn với dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi, doanh nghiệp không tăng vốn, không thực hiện đầu tư mở rộng để tăng tài sản thì thu nhập từ hoạt động này không được ưu đãi thuế TNDN.
Câu hỏi 3: Công ty tôi có mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động. Xin hỏi công ty tôi có được tính vào chi phí được trừ cho khoản tiền mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động này không?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC) thì phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Căn cứ quy định trên thì về nguyên tắc khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động của Công ty được tính vào chi phí được trừ nếu khoản chi này đáp ứng các quy định về mức chi, hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, Công ty chỉ được trừ khoản chi này vào chi phí khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động.
Câu hỏi 4: Doanh nghiệp tôi có mua một chiếc ô tô để phục vụ vận chuyển hàng hóa giữa các kho hàng. Tuy xe đã được sử dụng nhưng doanh nghiệp tôi vẫn chưa thực hiện xong thủ tục sang tên (xe vẫn mang tên chủ xe cũ). Xin hỏi doanh nghiệp tôi có được tính vào chi phí được trừ với phần trích khấu hao tài sản xe không?
Trả lời: Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của BTC quy định chi khấu hao đối với tài sản cố định không có giấy tờ chứng minh thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp thì không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (trừ tài sản cố định thuê mua tài chính).
Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp có mua xe của một tổ chức, cá nhân khác nhưng chưa làm xong thủ tục sang tên, doanh nghiệp chưa có giấy tờ chứng minh được tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp thì khoản khấu hao tài sản xe ô tô này không được tính là chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN.
Câu hỏi 5: Công ty tôi kinh doanh hàng mỹ phẩm. Tháng 10/2023, chúng tôi kiểm kê đã loại ra một số mặt hàng bị tồn đã quá hạn sử dụng. Chúng tôi đã lập bảng kê, ra quyết định hủy lô hàng trên. Tổng lô hàng này trị giá 125 triệu đồng. Xin cho biết giá trị lô hàng hỏng này có được tính vào chi phí được trừ không?
Trả lời: Đối với các sản phẩm hết hạn sử dụng phải tiêu hủy, nếu Doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh thuộc trường hợp hàng hóa hết hạn sử dụng không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ trong năm thực hiện tiêu hủy. Doanh nghiệp lập Hồ sơ theo hướng dẫn tại tiết b, khoản 2.1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của BTC.
Câu hỏi 6: Công ty chúng tôi đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho dự án tại khu công nghiệp (miễn 2 giảm 4). Vào năm giảm thuế thứ hai, Công ty có giấy xác nhận ưu đãi cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho một số mặt hàng (được miễn 4 giảm 9). Công ty tách riêng được doanh thu và chi phí của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Vậy xin hỏi khi công ty tôi áp dụng ưu đãi miễn thuế TNDN cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì các sản phẩm không phải là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tiếp tục được giảm 50% thuế TNDN theo điều kiện ưu đãi địa bàn không?
Trả lời: Luật thuế TNDN quy định đối tượng hưởng ưu đãi là thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng đáp ứng điều kiện về lĩnh vực, địa bàn được ưu đãi theo quy định của Luật Thuế TNDN (trong đó có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển).
Tại khoản 4 Điều 18 Luật thuế TNDN quy định đối với trường hợp doanh nghiệp được hưởng nhiều mức ưu đãi khác nhau thì được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất.
Căn cứ các quy định trên thì trường hợp Công ty lựa chọn hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi có lợi nhất (sản xuất sản phẩm CNHT) đối với thu nhập phát sinh từ dự án đầu tư của công ty thì thu nhập phát sinh từ các sản phẩm không phải là sản phẩm CNHT không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
Câu hỏi 7: Công ty chúng tôi là công ty sản xuất phần mềm được ưu đãi thuế TNDN trong vòng 15 năm, trong năm 2023 Công ty chúng tôi có một khoản tiền vốn nhàn rỗi chưa dùng đến nên Công ty mang đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng và trong năm có phát sinh lãi. Vậy khi quyết toán thuế TNDN năm 2023 Công ty có được hưởng ưu đãi thuế TNDN với khoản thu nhập từ lãi tiền gửi có kỳ hạn của khoản tiền vốn nhàn rỗi không?
Trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về xác định thu nhập được hưởng thuế TNDN trong trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi đầu tư, trường hợp doanh nghiệp bạn đang được hưởng ưu đãi theo lĩnh vực thì khoản lãi tiền gửi có kỳ hạn không được hưởng ưu đãi thuế TNDN do không liên quan trực tiếp đến hoạt động SXKD được hưởng ưu đãi.
Câu hỏi 8: Trong năm 2023 công ty tôi có vay ngân hàng, nhưng do khó khăn đến thời hạn Công ty chưa thanh toán được cho ngân hàng nên phải trả khoản lãi vay quá hạn. Như vậy DN có được trừ khoản khi tính thuế TNDN không?
Trả lời: Căn cứ quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, trường hợp doanh nghiệp phát sinh khoản chi trả lãi tiền vay để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, không thuộc các khoản chi không được trừ thì được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Câu hỏi 9: Các khoản phạt hợp đồng thi công như phạt tiến độ thi công, phạt an toàn vệ sinh, phạt thất thoát vật tư thi công… những khoản chi trên có được tính vào chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN?
Trả lời: Căn cứ quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, trường hợp các khoản phạt hợp đồng thi công liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định, không thuộc các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Câu hỏi 10: Doanh nghiệp tôi có chi trả khoản tiền lương của những ngày nghỉ phép chưa dùng trong năm cho người lao động trong doanh nghiệp thì khoản chi này có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN hay không?
Trả lời: Trường hợp Công ty phát sinh khoản chi thanh toán những ngày phép chưa nghỉ cho người lao động đáp ứng quy định tại Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành; quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Câu hỏi 11: Trường hợp người lao động tự nguyện làm thêm giờ và doanh nghiệp có thanh toán khoản lương làm thêm giờ cho người lao động thì khoản chi phí tương ứng số giờ làm thêm vượt mức quy định tại Bộ luật lao động có đủ điều kiện là chi phí được trừ cho mục đích thuế TNDN hay không?
Trả lời: Theo pháp luật về lao động thì người lao động được làm thêm không quá 200 giờ/năm và một số ngành nghề công việc đặc biệt thì được làm thêm không quá 300 giờ/năm.
Theo pháp luật thuế, để được tính vào chi phí được trừ thì khoản chi phải có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định pháp luật.
Như vậy, khoản chi làm thêm giờ vượt mức 200-300 giờ/người/năm là vi phạm pháp luật về lao động nên không đảm bảo điều kiện để được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.