Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc đơn vị sử dụng lao động phải tham gia theo mức đóng và hình thức đóng bảo hiểm cụ thể được nhà nước ban hành. Năm 2023 mức đóng BHXH bắt buộc là 25,5%.
- Mức đóng bảo hiểm xã hội là 25,5% trong đó: người lao động đóng 8%, đơn vị đóng 17,5%. 17,5% đơn vị đóng bao gồm: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
- Mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5% trong đó: người lao động đóng 1,5%, đơn vị đóng 3%.
- Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp là 2% trong đó: người lao động đóng 1%, đơn vị đóng 1%.
Trong đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, có mức lương đóng tối đa như sau:
- Người lao động theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:
Mức lương đóng tối đa = 20 tháng lương cơ sở = 29,8 triệu đồng/tháng
- Người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:
Mức lương đóng tối đa = 20 tháng lương tối thiểu vùng.
Lưu ý:
- Riêng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu đủ điều kiện, có văn bản đề nghị và được Bộ lao động thương binh và xã hội chấp thuận thì được đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn là (0.3%).
- Mức đóng nêu trên không áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
- Mức đóng BHYT với người lao động Việt Nam áp dụng từ 01/10/2022 là 4,5% trong đó:
- Đơn vị sử dụng lao động đóng 3%
- Người lao động đóng 1,5%
- Mức đóng BHYT đối với người lao động nước ngoài áp dụng từ 01/07/2022 là 4,5% trong đó:
- Đơn vị sử dụng lao động đóng 3%
- Người lao động nước ngoài đóng 1,5%
- Lưu ý: Bảo hiểm y tế là một mục nhỏ trong số tiền đóng Bảo hiểm xã hội. Do đó mức đóng bảo hiểm y tế nói trên là để Quý vị hiểu quy định pháp luật. Số tiền này đã nằm trong khoản tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng chúng tôi chia sẻ ở mục đầu tiên.
- Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015;
- Luật bảo hiểm xã hội 2014;
- Luật Việc làm 2013;
- Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018;
- Nghị định 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020;
- Nghị định 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018;
- Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 888/QĐ-BHXH ngày 16/7/2018, Quyết định 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020, Quyết định 1040/QĐ-BHXH ngày 18/8/2020);
- Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
- Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Xem thêm: Thủ tục đăng ký tham gia bảo hiểm lần đầu
Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
- Không xác định thời hạn;
- Xác định thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên (do hợp đồng lao động theo mùa vụ đã bị bãi bỏ).
* Ngoại lệ: Người lao động đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
* Lưu ý: Trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động cùng một thời điểm thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
(Điều 43 Luật Việc làm 2013)
- Được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đủ điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm.
- Được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm nếu đáp ứng điều kiện tại Điều 54 Luật Việc làm.
- Được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng điều kiện tại Điều 55 Luật Việc làm.
- Bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không?
Câu hỏi: Tôi đóng bảo hiểm thất nghiệp 03 năm ở công ty cũ, sau đó nghỉ việc nhưng không làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Hiện nay, tôi đang làm việc ở công ty mới được 06 tháng. Vậy thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước đây của tôi có được cộng dồn không?
Theo khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm năm 2013, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Bởi vậy, dù đóng bảo hiểm thất nghiệp không liên tục do chuyển nhiều nơi làm việc thì người lao động vẫn sẽ được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp trên tổng thời gian mà mình đã tham gia.
- Bảo hiểm thất nghiệp có từ năm nào?
Câu hỏi: Tôi tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2000, cũng là thời điểm tôi bắt đầu đi làm. Vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của tôi có giống như thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu có từ năm nào?
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 lần đầu tiên ghi nhận chế độ "bảo hiểm thất nghiệp". Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2007, nhưng thời điểm bắt đầu áp dụng bảo hiểm thất nghiệp là từ 01/01/2009. Như vậy, bảo hiểm thất nghiệp chính thức có từ năm 2009.
Hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp được quy định riêng tại Luật Việc làm năm 2013, không còn quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội như trước đây.
Do đó, thời gian người lao động tham gia hợp đồng lao động trước năm 2009 thì không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Nhận bảo hiểm thất nghiệp 1 lần được không?
Câu hỏi: Tôi năm nay đã hơn 50 tuổi, nay nghỉ việc chờ nghỉ hưu không đi làm đâu nữa thì có nhận trợ cấp thất nghiệp 1 lần luôn được không?
Hiện nay, theo Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp đang được tính theo từng tháng.
Cùng với đó, khoản 2 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP cũng quy định, cơ quan BHXH sẽ thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp theo từng tháng cho người lao động.
Chính vì vậy, người lao động sẽ không thể lấy trợ cấp thất nghiệp một lần cho toàn bộ thời gian mà mình được hưởng.
- Bảo hiểm thất nghiệp không lấy có mất không?
Câu hỏi: Tôi nghỉ việc hơn 1 năm chưa lấy tiền trợ cấp thất nghiệp thì liệu thời gian đóng trước đó có mất không ạ?
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm năm 2013, thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu để quá thời hạn này, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ không nhận hồ sơ nữa.
Lúc này, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ được tự động bảo lưu để tính cho lần hưởng tiếp khi có đủ điều kiện.
Bởi khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm 2013 đã nêu rõ, thời gian đóng bảo hiểm để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.