- Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC và Thông tư 25/2018/TT-BTC của Bộ tài chính quy định:
"Điều 4. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.
b) Các Khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
c) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi"
Như vây:
- Nếu công ty có chi tiền phụ cấp điện thoại cho người lao động để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, nếu có hóa đơn, chứng từ hợp pháp ghi tên, địa chỉ, mã số thuế Công ty thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
- Trường hợp Công ty khoán chi tiền điện thoại cho người lao động => Phải được quy định cụ thể ĐIỀU KIỆN HƯỞNG và MỨC HƯỞNG tại hợp đồng lao động hoặc quy chế tài chính của công ty thì các khoản chi này được xác định là chi phí tiền lương được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
|
Khi chi tiền phụ cấp Điện thoại (khoán chi) phải lập phiếu chi:
"Căn cứ các quy định trên, trường hợp theo Bà trình bày Công ty có khoán chi tiền điện thoại, xăng xe cho người lao động, nếu mức khoán chi này thực hiện theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của Công ty thì khoản khoán chi này được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Khi chi tiền Công ty lập chứng từ chi."
(Công văn số 6608/CT-TTHT ngày 6/7/2018 của Cục Thuế TP. HCM)
Cách hạch toán tiền phụ cấp điện thoại cho nhân viên:
- Khi tính lương (Khi xác định số tiền điện thoại phụ cấp cho nhân viên)
Nợ TK 154, 641, 642 - Tùy vào việc Nhân viên đó làm việc cho bộ phận nào mà các bạn hạch toán vào Chi phí tương ứng nha.
Có các TK 334.
- Khi chi trả phụ cấp tiền điện thoại cho người lao động
Nợ TK 334
Có TK 111, 112
- Theo tiết đ.4 điểm 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn về các khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN bao gồm:
“đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
đ.4.1) Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
đ.4.3) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.”
Như vậy:
- Nếu DN khoán chi Tiền phụ cấp điện thoại cho nhân viên thì thực hiện theo Luật thuế TNDN trên phần 1 (Quy định cụ thể điều kiện được hưởng và mức hưởng tại 1 trong các hồ sơ trên)
-> Nếu chi cao hơn mức quy định của DN thì chịu thuế TNCN.
-> Nếu chi trong mức quy định của DN thì không chịu thuế TNCN.
- Nếu tiền điện thoại dùng chung (không ghi cụ thể ai được nhận, ví dụ tiền điện thoại dùng chung cho Phòng, ban nào đó), tức là hóa đơn, chứng từ mang tên DN -> Thì không chịu thuế TNCN.
Mức phụ cấp tiền điện thoại tối đa là bao nhiêu?
- Hiện tại không có văn bản nào quy định mức tối đa, tối thiểu -> Mà DN căn cứ vào tình hình thức tế tại DN để xây dựng trong quy chế tài chính, quy chế lương thưởng cho phù hợp:
Ví dụ: 1 bạn nhân viên kế toán, thường xuyên ngồi ở văn phòng và có 1 điện thoại bàn dùng chung cho phòng kế toán.
- 1 bạn nhân viên kinh doanh, thường xuyên đi thị trường nên phải liên lạc nhiều bằng điện thoại di động cá nhân.
=> Thì các bạn có thể xây dựng cho 2 bạn ở mức khác nhau.
Tham khảo thêm 1 số công văn dưới đây:
Theo công văn 1166 /TCT-TNCN ngày 21/3/2016 của Tổng cục thuế:
- Về khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân: Trường hợp khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân nếu được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN thì khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân là thu nhập được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN.
- Trường hợp đơn vị chi tiền điện thoại cho người lao động cao hơn mức khoán chi quy định thì phần chi cao hơn mức khoán chi quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Theo Công văn 69792/CT-TTHT ngày 10/11/2016 của Cục thuế TP Hà Nội gửi Cổng thông tin điện tử - Bộ Tài chính, quy định cụ thể như sau:
"Căn cứ quy định nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội trả lời Độc giả theo nguyên tắc như sau:
- Trường hợp Công ty của Độc giả có khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại,... cho người lao động phù hợp với mức khoán chi quy định tại quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì Công ty được tính khoản chi này vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
- Người lao động nhận khoản chi trong mức khoán của Công ty thì không phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. Trường hợp Công ty chi cho người lao động cao hơn mức khoán chi thì phần chi cao hơn mức khoán chi quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Công văn số 35220/CTHN-TTHT ngày 17/9/2021 của Cục Thuế TP. Hà Nội
"Trường hợp Công ty áp dụng hình thức khoán chi phụ cấp tiền điện thoại cho người lao động được ghi cụ thể Điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồngquản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, nếu mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN thì khoản khoán chi này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN"
Công văn số 56767/CT-TTHT ngày 19/7/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội
Về khoản phụ cấp tiền điện thoại:
- Trường hợp Công ty chi tiền điện thoại cho người lao động trong mức khoán chi quy định thì khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân là thu nhập được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN.
- Trường hợp Công ty chi tiền điện thoại cho người lao động cao hơn mức khoán chi quy định thì phần chi cao hơn mức khoán chi quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Nếu là Doanh nghiệp trong TP. HCM các bạn có thể tham khảo thêm:
Công văn số 4451/CT-TTHT ngày 7/5/2019 của Cục Thuế TP. HCM:
Trường hợp Công ty có chi trả tiền phụ cấp điện thoại và nhà ở theo mức cố định hàng tháng cho người lao động thì khoản thu nhập này phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động và được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
- Đối với phần khoán chi tiền điện thoại thực hiện theo đúng quy định tại Điểm đ.4 Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì không tính thuế TNCN
Công văn số 8214/CT-TTHT ngày 24/8/2017 của Cục Thuế TP. HCM:
"Trường hợp Công ty chi hỗ trợ tiền điện thoại cho người lao động bằng tiền (thanh toán hàng tháng cùng với tiền lương) được quy định trong sổ tay nhân viên và chính sách, quy chế của Công ty hoặc tại Hợp đồng lao động thì khoản trợ cấp này là thu nhập từ tiền lương, tiền công và phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.
- Trường hợp Công ty chi hỗ trợ tiền điện thoại cho người lao động để phục vụ sản xuất kinh doanh, có hóa đơn hợp pháp mang tên, địa chỉ và mã số thuế Công ty thì khoản chi trả này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động."
Theo Công văn 10515/CT-TTHT ngày 24/10/2017 của Cục thuế TP Hồ Chí Minh
"Căn cứ quy định trên khoản chi phí điện thoại cho người lao động phục vụ cho kinh doanh có hóa đơn hợp pháp ghi tên, địa chỉ, Mã số thuế Công ty được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và không phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.
- Khoản khoán chi tiền điện thoại cho người lao động được quy định cụ thể tại hợp đồng lao động Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thường do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty thì được xác định là chi phí tiền lương tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, người lao động nhận được khoản thu nhập khoán theo mức cố định hàng tháng này phải tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công để kê khai nộp thuế TNCN theo quy định."
Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH
"Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm:
- Các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến;
- Tiền ăn giữa ca;
- Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
- Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH.”.
Như vậy: Phụ cấp tiền điện thoại Không phải đóng BHXH.