Theo Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:
"1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này."
Xem thêm: Cách viết hóa đơn hàng bán trả lại
Theo Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định đối với hóa đơn điện tử:
"b) Trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP sau đó có phát sinh việc hủy hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập và thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ;
3. Việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế liên quan các hóa đơn điện tử điều chỉnh, thay thế (bao gồm cả hóa đơn điện tử bị hủy) thực hiện theo quy định của pháp luật quản lý thuế."
Theo Công văn 28218/CTHN-TTHT ngày 16/6/2022 của Cục thuế Hà Nội:
"Trường hợp Công ty có lập hóa đơn trả lại hàng, hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn thay thế theo quy định tại Điều 4 và Điều 19 tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP nêu trên thì Công ty thực hiện kê khai thuế GTGT đối với các hóa đơn trên như sau:
- Đối với hóa đơn trả lại hàng: Công ty thực hiện kê khai tại kỳ phát sinh lập hóa đơn trả lại hàng.
- Đối với hóa đơn điều chỉnh, thay thế: Công ty thực hiện kê khai bổ sung, điều chỉnh tại kỳ tính thuế có sai sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội và khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ."
Theo Công văn 7589/CTTPHCM-TTHT ngày 30/6/2022 của Cục thuế TP HCM:
"Căn cứ các quy định nêu trên: Trường hợp Công ty và Nhà cung cấp của Công ty áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC, Công ty mua hàng của Nhà cung cấp và phát sinh nghiệp vụ kinh tế hoàn trả một phần hàng đã mua của Nhà cung cấp thì Công ty thực hiện lập hóa đơn điện tử giao cho Nhà cung cấp: Trên hóa đơn ghi số lượng hàng hóa trả lại, thuế suất trả lại và tiền thuế GTGT (số dương).
- Căn cứ hóa đơn trả lại hàng hóa, Công ty và Nhà cung cấp thực hiện kê khai điều chỉnh giảm doanh thu thuế GTGT đầu ra, đầu vào theo pháp luật về thuế GTGT."
Theo Báo điện tử Chính phủ hướng dẫn
"Căn cứ các quy định trên, trường hợp công ty của ông xuất hóa đơn cho khách hàng là cá nhân và khách hàng trả lại hàng thì công ty hủy hóa đơn điện tử đã lập, thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn điện tử đã lập và thực hiện khai điều chỉnh giảm doanh thu thuế giá trị gia tăng đầu ra tại thời điểm nhận lại hàng hóa theo quy định về xử lý hóa đơn điện tử có sai sót tại Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC."
Theo Công văn 4943/TCT-KK ngày 23/11/2015 của Tổng cục thuế:
"Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, bên bán và bên mua đã thực hiện kê khai thuế GTGT theo quy định. Sau đó, bên bán và bên mua phát hiện hàng hóa đã giao không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại một phần hay toàn bộ hàng hóa, Điều chỉnh giá trị hàng hóa bán ra thì phải lập hóa đơn trả lại hàng hóa hoặc lập hóa đơn Điều chỉnh theo quy định.
-> Căn cứ hóa đơn trả lại hàng hoặc hóa đơn Điều chỉnh, bên bán thực hiện kê khai Điều chỉnh doanh số bán và thuế GTGT đầu ra, bên mua Điều chỉnh doanh số mua và thuế GTGT đầu vào tại kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn trả lại hàng hoặc phát sinh hóa đơn Điều chỉnh.
"Ví dụ 6: Tháng 05/2015 Công ty A xuất hóa đơn bán hàng cho Công ty B với tổng giá trị hàng hóa bán ra là 100 triệu đồng, thuế GTGT đầu ra 10 triệu đồng. Công ty A và Công ty B đã thực hiện kê khai hóa đơn này theo quy định. Tháng 07/2015, Công ty B phát hiện hàng hóa đã giao không đúng quy cách, chất lượng.
- Trường hợp Công ty B trả lại toàn bộ hàng hóa: Công ty B xuất hóa đơn trả lại hàng cho Công ty A với giá trị hàng hóa trả lại là 100 triệu đồng, thuế GTGT là 10 triệu đồng.
Căn cứ hóa đơn trả lại hàng, Công ty A điều chỉnh giảm doanh số bán và thuế GTGT đầu ra, Công ty B điều chỉnh giảm doanh số mua và thuế GTGT đầu vào tại kỳ tính thuế tháng 07/2015 (nếu còn trong thời hạn khai thuế) hoặc tháng 08/2015.
- Trường hợp hai bên thống nhất điều chỉnh giảm giá bán: Công ty A xuất hóa đơn điều chỉnh giảm giá trị hàng hóa và thuế GTGT theo quy định.
Căn cứ hóa đơn điều chỉnh, Công ty A điều chỉnh giảm doanh số bán và thuế GTGT đầu ra, Công ty B điều chỉnh giảm doanh số mua và thuế GTGT đầu vào tại kỳ tính thuế tháng 07/2015 (nếu còn trong thời hạn khai thuế) hoặc tháng 08/2015."
Theo Công văn 5839/CT-TTHT ngày 20/2/2017 của Cục thuế TP Hà Nội:
"+ Trường hợp Chi nhánh bán hàng hóa đã lập hóa đơn giao khách hàng, sau đó khách hàng trả lại hàng và lập hóa đơn trả lại thi căn cứ vào hóa đơn trả lại hàng; bên bán và bên mua thực hiện điều chỉnh trên tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT tại kỳ thuế phát sinh hóa đơn trả lại hàng như sau:
Đơn vị bán kê giảm vào các chỉ tiêu tương ứng tại mục II-Hàng hóa dịch vụ bán ra trong kỳ trên tờ khai 01/GTGT (cụ thể trong trường hợp này hàng hóa trả lại chịu thuế suất thuế GTGT là 10% thì: điều chỉnh giảm doanh số tại chỉ tiêu (32); thuế GTGT ghi nhận giảm đưa vào chỉ tiêu (33).
Đơn vị mua điều chỉnh doanh số mua tại chỉ tiêu (23), thuế GTGT đầu vào điều chỉnh giảm tại chỉ tiêu (24) và (25)."
Như vậy: Các bạn sẽ kê khai điều chỉnh giảm trực tiếp trên các Chỉ tiêu của Tờ khai 01/GTGT kỳ phát sinh hóa đơn hàng bán trả lại:
- Bên bán “bên bị trả” Kê khai ÂM (Hoặc trừ đi giá trị hóa đơn trả lại) vào các Chỉ tiêu Hàng hóa, dịch vụ bán ra theo mức thuế suất tương ứng của DN (Chỉ tiêu 29 - 33).
- Bên mua “bên trả lại hàng” Kê khai ÂM (Hoặc trừ đi giá trị của hóa đơn trả lại) vào các Chỉ tiêu mua vào (Chỉ tiêu 23 - 25).
-> Có 2 thời điểm phát sinh trả lại hàng là: Trong cùng 1 kỳ và khác kỳ
- Trong cùng 1 kỳ: Tức là hóa đơn xuất lần 1 (khi bán) và hóa đơn hàng bán trả lại cùng trong 1 kỳ kê khai.
Ví dụ: Hóa đơn lần 1 (khi bán) xuất ngày 5/10/2023 -> Hóa đơn trả lại hàng ngày 22/10/2023.
- Khác kỳ: Tức là hóa đơn lần 1 (khi bán) và hóa đơn hàng bán trả lại ở 2 kỳ kê khai khác nhau
Ví dụ: Hóa đơn lần 1 (khi bán) xuất ngày 5/10/2023 (Đã kê khai vào tháng 5) -> Hóa đơn trả lại hàng ngày 24/11/2023 (Kỳ kê khai tháng 12)
-> Cụ thể từng trường như sau:
Ví dụ 1: Hóa đơn hàng bán trả lại và hóa đơn khi bán khác kỳ kê khai:
- Ngày 2/3/2023 Công ty kế toán VAFT bán 10 máy tính LENOVO cho Công ty Hải Nam và xuất hóa đơn số 0000789, đơn giá 15.000.00 vnđ/ chiếc, thuế GTGT 10%: 1.500.000. Và 2 bên đã kê khai vào tháng 3/2023.
- Nhưng đến ngày 10/5/2023 Công ty Hải Nam xuất hóa đơn hàng bán trả lại cho Công ty kế toán VAFT vì hàng lỗi không đạt chất lượng. Hóa đơn hàng bán trả lại là hóa đơn số 0000958, đơn giá 15.000.00 vnđ/ chiếc , thuế GTGT 10%: 1.500.000.
1. Cách viết hóa đơn hàng bán trả lại:
2. Hướng dẫn kê khai hóa đơn hàng bán trả lại:
a. Nếu trong kỳ chỉ phát sinh 1 hóa đơn trả lại hàng: (Tức là trong kỳ kê khai chỉ có 1 hóa đơn trả lại, không có các hóa đơn đầu ra, đầu vào khác)
- Theo Công văn 4943 bên trên: Sẽ Kê khai vào kỳ hiện tại (Tức là tháng 5/2023, theo như ngày trên hóa đơn) -> Và phải kê khai điều chỉnh giảm doanh số và thuế GTGT: Nên chúng ta sẽ phải kê khai ÂM.
Bên bán (Bên bị trả): (vì là thuế 10%)
- Kê khai ÂM vào Chỉ tiêu 32: -15.000.000
- Kê khai ÂM vào Chỉ tiêu 33: - 1.500.000
Bên mua (Bên trả lại):
- Kê khai ÂM vào Chỉ tiêu 23: -15.000.000
- Kê khai ÂM vào Chỉ tiêu 24: - 1.500.000
- Kê khai ÂM vào Chỉ tiêu 25: - 1.500.000
b. Nếu trong kỳ phát sinh nhiều hóa đơn khác: (Tức là ngoài hóa đơn trả lại, cty bạn còn có nhiều hóa đơn đầu ra và đầu vào khác)
- Thì các bạn phải trừ số tiền doanh số và thuế GTGT của hóa đơn trả hàng đó ra. Ví dụ cụ thể như sau:
Bên bán (Bên bị trả):
- Ví dụ: Sau khi các bạn kê khai các hóa đơn đầu ra khác thì số liệu trên Chỉ tiêu 32 là: 40.000.000 => Thì các bạn lấy số tiền đó (-) trừ đi - 15.000.000 (số tiền trên hóa đơn trả lại) = 25.000.000
- Lấy số liệu ở chỉ tiêu 33 là: 4.000.000 - 1.500.000 = 2.500.000.
Bên mua (Bên trả lại):
- Sau khi đã kê khai các hóa đơn đầu vào khác, các bạn lấy số liệu đã kê khai trên các chỉ tiêu để (-) trừ đi số tiền giá trị hàng hóa, dịch vụ và thuế GTGT tương ứng với hóa đơn nha.
Ví dụ: Sau khi kê khai các hóa đơn khác, các chỉ tiêu xuất hiệu như sau: 23: 50.000.000, 24: 5.000.000, 25: 5.000.000, thì các bạn trừ đi như sau:
- Chỉ tiêu 23: 50.000.000 - 15.000.000 = 35.000.000
- Chỉ tiêu 24: 5.000.000 - 1.500.000 = 3.500.000
- Chỉ tiêu 25: 5.000.000 - 1.500.000 = 3.500.000.
Ví dụ 2: Hóa đơn trả lại hàng và hóa đơn khi bán cùng 1 kỳ kê khai.
- Ngày 7/11/2023 Công ty A xuất hóa đơn số 001, thuế GTGT 10% cho Công ty B.
- Nhưng do hàng không đúng quy cách nên bên B trả lại hàng và xuất hóa đơn trả lại hàng 002 vào ngày 15/11/2023.
Cách kê khai hóa đơn hàng bán trả lại:
Bên bán (Bên bị trả):
=> KHÔNG cần kê khai 2 hóa đơn này (Vì 2 hóa đơn này tự cấn trừ cho nhau)
Bên mua (Bên trả lại):
=> KHÔNG cần kê khai 2 hóa đơn này (Vì 2 hóa đơn này tự cấn trừ cho nhau).
Cụ thể theo Công văn 4723/TCT-CS của Tổng cục Thuế ngày 13/10/2017:
"Căn cứ quy định nêu trên:
- Đối với các hóa đơn đã xuất và bị thu hồi trong cùng một tháng: Công ty cổ phần Thế giới Di động không kê khai vào các chỉ tiêu tương ứng tại Mục II-Hàng hóa, dịch vụ bán ra trong kỳ trên Tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT.
Đối với các hóa đơn đã xuất và bị thu hồi khác tháng: Công ty cổ phần Thế giới Di động thực hiện kê khai điều chỉnh doanh số bán ra và thuế GTGT đầu ra vào các chỉ tiêu tương ứng tại Mục II- hàng hóa, dịch vụ bán ra trong kỳ trên Tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT tại kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn đổi, trả lại hàng."
Nếu bạn chưa biết hạch toán hàng bán trả lại thì có thể xem thêm: Cách hạch toán hàng bán bị trả lại