Thủ tục đăng ký giảm trừ khi phát sinh người phụ thuộc - Đào Tạo Kế Toán

Thủ tục đăng ký giảm trừ khi phát sinh người phụ thuộc - Đào Tạo Kế Toán
Slider 1
Slider 2
Slider 3
Thủ tục đăng ký giảm trừ khi phát sinh người phụ thuộc

 

Vợ của ông Nguyễn Thành Long (Hà Nội) là viên chức tại một đơn vị sự nghiệp công lập. Tháng 3/2016, khi ủy quyền cho cơ quan quyết toán thuế thu nhập cá nhân của năm 2015, vợ ông có kê khai đã sinh con ngày 29/6/2015 và đề nghị tính giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc.

Tuy nhiên, theo bộ phận kế toán của cơ quan trả lời thì vào tháng 3/2016 vợ ông mới kê khai giảm trừ gia cảnh nên chỉ được tính giảm trừ từ tháng 3/2016, thời gian từ tháng 7/2015 đến hết tháng 12/2015 và 2 tháng đầu năm 2016 không được tính.

Ông Long hỏi, bộ phận kế toán cơ quan trả lời như vậy có đúng không? Nếu được giảm trừ gia cảnh thì vợ ông và cơ quan của vợ ông phải thực hiện thủ tục như thế nào?

Về vấn đề này, Cục Thuế TP. Hà Nội có ý kiến như sau:

Căn cứ Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhânLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ, người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.

Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký.

Đối với người phụ thuộc đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế.

Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại Tiết d.4, Điểm d, Khoản 1, Điều này thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính cho năm tính thuế đó…

Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại Điểm đ, Khoản 1, Điều này bao gồm:

- Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.

- Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.

- Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.

- Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

Thủ tục đăng ký giảm trừ gia cảnh

Đối với con dưới 18 tuổi, hồ sơ chứng minh người phụ thuộc là bản chụp Giấy khai sinh và bản chụp Chứng minh nhân dân (nếu có).

Đối với người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công, đăng ký người phụ thuộc lần đầu: Người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công đăng ký người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế và nộp 2 bản cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập để làm căn cứ tính giảm trừ cho người phụ thuộc.

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập lưu giữ 1 bản đăng ký và nộp 1 bản đăng ký cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý cùng thời điểm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân của kỳ khai thuế đó theo quy định của luật quản lý thuế.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp vợ ông Long phát sinh người phụ thuộc là con đẻ kể từ tháng 6/2015 nhưng đến tháng 3/2016 mới nộp hồ sơ giảm trừ gia cảnh cho cơ quan nơi đang làm và việc đăng ký người phụ thuộc tại thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2015 thì khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2015 vẫn được kê khai và tính giảm trừ gia cảnh như quy định hướng dẫn tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC.

Đối với thủ tục đăng ký giảm trừ gia cảnh của vợ ông Long thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC. Nếu còn vướng mắc, đề nghị ông liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được giải đáp cụ thể.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ